Hôm 25/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu Australia (TGA) báo cáo mẫu siro có tên Guaifenesin syrup TG syrup, lưu hành tại Quần đảo Marshall và Micronesia, nhiễm một lượng lớn diethylene glycol (DEG) và ethylene glycol (EG) gây độc cho người sử dụng.
WHO thông tin sản phẩm do Công ty QP Pharmachem Ltd của Ấn Độ, có trụ sở tại Punjab sản xuất. Đơn vị tiếp thị là Trillium Pharma, có trụ sở tại Haryana. Theo cơ quan, cả QP Pharmachem và Trillium đều không đảm bảo được tính an toàn và chất lượng của siro ho.
Giám đốc điều hành QP Pharmachem Sudhir Pathak cho biết hãng đã thử nghiệm một mẫu từ lô hàng phân phối ra thị trường sau truy vấn gần đây từ cơ quan quản lý dược phẩm địa phương. Kết quả cho thấy lô hàng đủ điều kiện lưu hành, ông Pathak nói.
Ông cũng cho biết từ khi phân phối sản phẩm tại Ấn Độ đến nay, công ty chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào. Theo Pathak, QP Pharmachem đã được chính phủ Ấn Độ cho phép xuất khẩu 18.000 chai siro sang Campuchia. Ông không rõ vì sao sản phẩm lại xuất hiện ở Quần đảo Marshall và Micronesia.
Trillium Pharman hiện chưa trả lời các yêu cầu bình luận.
Siro ho bị thu giữ tại Banjul, Gambia, châu Phi, ngày 6/10/2022. Ảnh: AFP
WHO cho biết các quốc gia cần tăng cường giám sát để tìm ra những sản phẩm bị nhiễm độc. Cảnh báo mới đưa ra sau hàng loạt vụ siro ho trẻ em do nhiều hãng dược khác nhau ở Ấn Độ và Indonesia sản xuất bị nhiễm độc vào năm ngoái. Vụ việc đã khiến hơn 300 trẻ Gambia, Indonesia, Uzbekistan (chủ yếu dưới 5 tuổi) tử vong do chấn thương thận cấp tính.
Cả DEG và EG đều là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất siro từ propylene glycol. Thông thường, các hãng dược cần tinh chế propylene glycol để loại bỏ toàn bộ độc tính nếu muốn dùng trong thuốc ho. Tiêu chuẩn quốc tế cho phép lượng EG và DEG trong thuốc sau khi tinh chế không quá 0,1%, tương đương 0,1 g trên 100 ml siro.
Các thành phần có tính chất tương tự nhau. Nhưng trong khi propylene glycol không độc, DEG và EG cực kỳ có hại. Theo các nhà nghiên cứu, khi vào cơ thể, chúng có thể dẫn đến suy thận và tử vong nếu không được điều trị nhanh chóng. Liều lượng gây chết người phụ thuộc vào cân nặng người dùng. Trẻ em dễ tổn thương hơn người lớn.
Trước đây, các hãng dược đã thay thế propylene glycol bằng DEG hoặc EG tinh khiết để tiết kiệm chi phí. Trên các trang web bán hóa chất, EG và DEG thấp hơn một nửa so với propylene glycol.
Hôm 24/4, Bộ Y tế Việt Nam cũng ra khuyến cáo không sử dụng 14 loại siro ho sản xuất tại Ấn Độ và Indonesia.
Thục Linh (Theo Reuters)