Trẻ thích tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến như nước ngọt, kem, đồ ăn nhanh... nhưng các loại thực phẩm này có tác động tiêu cực lâu dài tới sức khỏe của các em.
Một nghiên cứu mới cho rằng những thực phẩm “siêu chế biến” (sản phẩm tiện lợi, đồ ăn nhanh) mà những đứa trẻ đang ăn vào người có thể khiến các em có nguy cơ mắc nhiều vấn đề về tim mạch như đau tim, đột quỵ và tiểu đường trong quãng sau của cuộc đời.
Stuart Berger, bác sĩ tim mạch trẻ em, đồng thời là Trưởng Khoa Tim mạch tại Học viên Nhi khoa Mỹ, cho biết: “Một trong những điều quan trọng nhất chúng ta cần phải tìm hiểu là các loại bệnh đến từ những hoạt động thực hiện khi còn nhỏ nhưng lại gây hậu quả khi ta trưởng thành”.
Nghiên cứu này, vừa được công bố trên mạng tin khoa học JAMA Network Open, đã phân tích dữ liệu thu thập trên hơn 1.400 trẻ em, có độ tuổi từ 3 đến 6. Những đứa trẻ được tuyển chọn từ các trường học thuộc bảy thành phố tại Tây Ban Nha. Theo nghiên cứu, những người chăm sóc cho những đứa trẻ đã trực tiếp gặp gỡ nhóm nghiên cứu và hoàn thành bảng câu hỏi nhân khẩu học về những hoạt động thể chất, cũng như lượng thức ăn các em tiêu thụ tại nhà trong 3 năm (từ 2019 đến 2022).
Trẻ em Mỹ nói riêng, người Mỹ nói chung tiêu thụ rất nhiều thực phẩm siêu chế biến. (Nguồn: CNN).
Các nhà khoa học đã chia dữ liệu thu được thành ba nhóm dựa trên lượng thực phẩm được chế biến sẵn mà những đứa trẻ đã tiêu thụ. Nghiên cứu cho thấy nhóm trẻ tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến nhất nhiều khả năng có các yếu tố rủi ro cao như chỉ số trọng lượng cơ thể lớn, huyết áp cao và vòng eo cũng lớn hơn các bạn.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), thực phẩm siêu chế biến là những thực phẩm có chứa các thành phần không được sử dụng hoặc ít khi sử dụng trong nhà bếp. Đây cũng có thể là thực phẩm được thêm các loại chất phụ gia có chức năng làm cho sản phẩm cuối trở nên ngon miệng hoặc hấp dẫn hơn.
Những thành phần, chất phụ gia đó thường được tìm thấy trong nước ngọt, khoai tây chiên, gói súp trong mì gói hay kem. Chúng có thể chứa chất bảo quản để chống nấm mốc hoặc vi khuẩn, màu nhân tạo, chất nhũ hóa để ngăn sự phân tách, hay chỉ đơn giản là các loại đường, muối và chất béo riêng để làm thực phẩm hấp dẫn hơn.
So với mặt bằng chung của thế giới, người Mỹ tiêu thụ khá nhiều thực phẩm siêu chế biến. Trong một nghiên cứu được công bố vào đầu tháng 5 năm nay, các nhà khoa học thấy rằng ngay cả với những người Mỹ ít ăn đồ siêu chế biến nhất cũng tiêu thụ trung bình 3 khẩu phần một ngày. Nhóm nhiều nhất tiêu thụ tới 7 khẩu phần 1 ngày.
Bác sĩ Berger cho biết nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động tiêu cực từ thực phẩm siêu chế biến đến sức khỏe của người trưởng thành. Nhưng nghiên cứu mới nhất là công trình đầu tiên cho thấy tác động lâu dài của chúng với con người, từ khi còn là đứa trẻ cho tới khi trưởng thành.
Berger cho biết thêm rằng nghiên cứu mới chủ yếu chỉ mang tính chất quan sát, nghĩa là dù các nhà nghiên cứu có thể xác định được mối quan hệ giữa lượng thực phẩm siêu chế biến mà những đứa trẻ đã tiêu thụ với sức khỏe của chúng, họ không thể đưa ra kết luận chắc chắn về mối quan hệ.
Nhưng điều quan trọng là nghiên cứu nhắc nhở chúng ta phải quan tâm tới việc quản lý lượng thực phẩm siêu chế biến trẻ tiêu thụ, bởi nó có thể gây ảnh hưởng tới cuộc đời về sau của trẻ.
Berger chỉ ra rằng việc thay đổi chế độ ăn của trẻ, theo hướng tránh xa khỏi thực phẩm siêu chế biến và nghiêng về những loại thực phẩm tự nhiên hơn, sẽ dễ thực hiện hơn khi các em còn nhỏ.
Vấn đề nằm ở chỗ việc né tránh tiêu thụ các đồ ăn siêu chế biến lại không phải là điều dễ thực hiện với tất cả mọi người. Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ tiêu thụ lượng thực phẩm siêu chế biến lớn thường là con của những người mẹ khá trẻ, bản thân họ cũng có trọng lượng cơ thể lớn, có trình độ học vấn thấp và tình trạng việc làm cũng ở mức thấp.
Ngoài ra tại những nơi khó tiếp cận với thực phẩm tươi sống, thực phẩm siêu chế biến trở thành lựa chọn dễ dàng và rẻ hơn nhiều. Thực phẩm siêu chế biến có đặc điểm cực kỳ tiện lợi, khiến người ta muốn dùng chúng để ăn. Ngoài ra, do thực phẩm siêu chế biến chứa đầy các loại hóa chất, hương liệu, gia vị, muối đường và bất cứ thứ gì khiến chúng trở nên hấp dẫn nên chúng cũng có khả năng "gây nghiện" cho người tiêu thụ.
Bác sĩ Andrew Freeman, một chuyên gia bệnh tim mạch tại Trung tâm y tế National Jewish ở Denver, nhấn mạnh rằng việc cho trẻ ăn thực phẩm siêu chế biến mà không cung cấp trái cây và rau quả tươi sẽ khiến các em gặp nhiều vấn đề khi đã trưởng thành.
Bác sĩ Berger cũng cho rằng, việc bổ sung các loại thực phẩm có nhiều dưỡng chất và tăng cường hoạt động thể chất là hai yếu tố rất quan trọng cho trẻ. “Nếu có thể làm điều gì đó từ sớm để tạo ra một lối sống lành mạnh thì khả năng cao bạn sẽ loại bỏ được hết các bệnh do chuyển hóa xuất hiện sau này trong cuộc sống như tiểu đường, béo phì, các biến chứng liên quan đến tiểu đường hay béo phì”, Berger nói.